Tự ti hay quá tự tin – Trở ngại khi học ngoại ngữ

Tuy đã có khá nhiều bài viết về trở ngại khi học ngoại ngữ, nhưng Poriko nhận thấy gần như không có website nào viết về trở ngại tâm lý tự tin, hay tự tin thái quá, và cách để thay đổi chúng.

Đây là hai hiện tượng tâm lí trái chiều rất thú vị, hãy cùng Poriko phân tích sâu một chút nhé.

TÂM LÝ TỰ TI

Tự ti là gì ai cũng biết, nhưng tin hay không thì tùy, tâm lý này khá dễ để vượt qua.

Mọi người thường hay phàn nàn về việc đã mất nhiều năm trời học ngoại ngữ mà vẫn lẹt đẹt, hay càng học càng thấy ngu đi. Khi hỏi điều gì khiến họ nghĩ vậy, một câu trả lời mà Poriko hay nhận được là 'mình không có khiếu học ngoại ngữ, mặc dù rất thích'.

Tự ti - trở ngại khi học ngoại ngữ

Dù là ngoại ngữ gì, thì Poriko tin ít nhất một lần trong đời, mọi người đã từng học 1 thứ tiếng nào đó. Có thể trải nghiệm cá nhân không mấy vui vẻ của quãng thời gian đó khiến bạn nghĩ rằng bạn THẬT SỰ không có năng khiếu với ngoại ngữ.

Thật khó có thể trách bạn khi mà điểm số của các bài kiểm tra là thước đo của năng lực. Hay những lúc bạn thấy mình bất lực khi không thể vượt qua một cuộc hội thoại cơ bản, hay viết một lá thư hoàn chỉnh.

Điều nguy hiểm là bạn liên tục bị tiếp xúc với những lời nói/trải nghiệm ngoại cảnh tiêu cực đó, tới mức nó trở thành tiếng nói bên trong của chính bạn, và đi sâu vào tiềm thức.

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ý thức chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.Trong khi tiềm thức là phần chìm, và chi phối tới 90% các quyết định, thái độ, hành động, và cảm xúc của bạn. Với mọi việc trong cuộc sống, chứ không chỉ là ngoại ngữ đâu nhé!

Theo Poriko, sự tự ti là nguyên nhân rất lớn trì hoãn việc thành thạo một ngoại ngữ.. Mà đa số mọi người trong chúng ta không hề hay biết.

CÁCH VƯỢT QUA TRỞ NGẠI TỰ TI

Bạn không thể xóa bỏ sự tự ti trong một sớm một chiều, nhưng bằng phương pháp lập trình lại tiềm thức, bạn có thể thấy được sự khác biệt trong vòng 30 ngày.

Sự tiến bộ ở đây không hẳn là khả năng nói, đọc, viết, hay nghe, mà là cách bạn nhìn nhận khả năng của bản thân, và cảm xúc tích cực đối với việc học ngoại ngữ.

Vậy làm thế nào để lập trình lại tiềm thức?

Có rất nhiều cách để thực hiện, nhưng Poriko sẽ giới thiệu cách làm rất đơn giản sau.

Bước 1: Hãy viết một lá thư cho chính mình về một vấn đề liên quan tới ngoại ngữ mà bạn thấy mình còn yếu.

Lưu ý hãy dùng thì hiện tại, và những lời tích cực. Ví dụ:

"Mình có khiếu tiếng Nhật.

Tôi thấy mình tiến bộ từng ngày ở mọi kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.

Mình thấy thật thoải mái và tự nhiên khi trò chuyện với mọi người bằng tiếng Nhật.

Tôi ghi nhớ từ mới, và cấu trúc ngữ pháp một cách dễ dàng.

Tôi yêu tiếng Nhật. v.v."

Bước 2: Ghi âm, và nghe hàng ngày (trong vòng 10 ngày) (ít nhất là 1 lần/ngày)

Lưu ý hãy kết hợp nghe khi bạn đang làm một việc gì đó khác, việc mà bạn làm hằng ngày (ví dụ lúc đánh răng) để tạo thói quen. Khi nghe, hãy nghe thật sự, hiểu từng câu chữ, cố để không bị sao lãng nhé. 

Có thể trong những ngày đầu tiên, nếu não bạn biết nói, nó có thể cười cho bạn thối mũi. Bạn đã quá quen với ý nghĩ mình kém cỏi, hay không có năng lực, nên cảm giác nghi ngờ, hay tự giễu cợt là đương nhiên.

Bước 3: Hãy đọc cho chính mình (nói to, hay nói thầm) lá thư trên trong vòng 20 ngày. Bất kì lúc nào bạn thấy yên tĩnh, và có thời gian cho chính mình.

Sau 10 ngày đầu tiên, bạn đã thuộc từng câu chữ nên không cần phải nhìn nữa.

Nếu kiên trì với cách làm trên, Poriko chắc chắn bạn sẽ thấy hiệu quả sau 30 ngày. Có mất gì đâu nhỉ mà sao không thử?

TÂM LÝ TỰ TIN THÁI QUÁ

Hay nói đúng hơn, là ảo tưởng về năng lực của chính mình. Thực ra, đây không phải là một điều xấu. Bởi xét cho cùng, nếu bạn thấy tự tin, và hài lòng với khả năng của mình, thì có gì là không tốt chứ!

Tự tin thái quá - trở ngại khi học ngoại ngữ

Ảo tưởng về năng lực ở đây không nhất thiết phải là vỗ ngực xưng mình giỏi, mà có thể chỉ là ý nghĩ mình đã hiểu, mặc dù trên thực tế thì không hẳn.

Đã nhiều lần Poriko chứng kiến cảnh các bạn không thể diễn đạt ý muốn nói một cách trôi chảy với đối phương. Nhưng trong thâm tâm, các bạn lại nghĩ là mình đã diễn đạt một cách rất trọn vẹn, thậm chí hoàn hảo.

Điều này đặc biệt đúng với tiếng Anh, và khi so sánh với các nước láng giềng như Mã Lai, Indonesia, Philippines, v.v. Poriko tin rằng nếu các bạn ấy có thể thực tế hơn một chút vể khả năng của mình (biết mình ở đâu), thì các bạn ấy sẽ phấn đấu hơn nữa để có nhiều cơ hội tốt hơn.

CÁCH NHẬN BIẾT MÌNH CÓ BỊ ẢO TƯỞNG VỀ BẢN THÂN?

Nếu bạn thật sự nghiêm túc trong việc rèn luyện bản thân, việc kiểm tra khá dễ dàng.

Trước tiên, hãy chọn một bài nghe ở mức độ trung - cao cấp (có transcript). Hãy tự nghe trước để xem mình hiểu được bao nhiêu, sau đó đọc transcript.

Khi đối chiếu kết quả, hãy là một vị giám khảo thật công tâm, bạn sẽ biết bạn ở đâu.

Tương tự với việc kiểm tra kĩ năng khác.

Tất nhiên, suy cho cùng, nếu bạn vẫn thấy hài lòng, thì không có lí do nào để thay đổi cả. Còn nếu bạn nhận ra mình vẫn còn thiếu thứ gì đó, hãy tiếp tục tìm hiểu thêm để đưa ra một kế hoạch cải thiện.

TÓM LẠI

Thành thạo một ngôn ngữ là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Và nếu dành thời gian đủ lâu, ngoại ngữ sẽ trở thành một phần của bạn. Tâm lý là một trở ngại khi học ngoại ngữ, vậy nên việc có được một thái độ đúng đắn sẽ rất có ích cho cả quá trình học tập, cũng như tương lai sự nghiệp của bạn đó. 

Nguồn ảnh: Getgoinvesting, gbhypnosis

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to top